Trong không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015); chào mừng Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hôm nay ngày 27/4/2015, Ban Dân tộc tổ chức gặp mặt, ôn lại truyền thống 69 năm ngày Ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (03/5/1946-03/5/2015), Dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Ngọc Tạo-Trưởng Ban Dân tộc, các đồng chí lãnh đạo Ban, toàn thể các bộ, công chức làm công tác dân tộc cấp tỉnh.
Tại buổi gặp mặt đồng chí Nguyễn Ngọc Tạo-Trưởng Ban Dân tộc đã ôn lại truyền thống 69 năm xây dựng và phát triển của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và chặng đường của cơ quan công tác dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc (tháng 01/1997) đến nay, mặc dù có biến động về cơ cấu tổ chức, nhưng từ khi thành lập đến nay được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Dân tộc, sự phối kết hợp các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, sự phấn đấu nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có nhiều chuyển biến quan trọng và đạt được nhiều kết quả. Các chương trình, chính sách được triển khai, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng; các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, có chuyển biến tích cực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng; số hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số của tỉnh là 7,6%, giảm bình quân từ 2-3%/năm (tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2014 là 3,63%), nhiều hộ đã có tích luỹ và mở rộng phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ; Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều tuyến đường được mở mới đến thôn của các xã vùng miền núi; văn hóa-xã hội có chuyển biến tiến bộ: Giáo dục và đào tạo có nhiều thành tựu về chất lượng, trường lớp học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông được xây dựng kiên cố, 100% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững. Với những kết quả trên đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh: Đến năm 2010 từ 06 xã ĐBKK của tỉnh giảm xuống còn 03 xã, đến năm 2013 tỉnh còn 01 xã (Yên Dương) và 07 thôn ĐBKK thuộc 02 xã (Đạo Trù: 03 thôn, Bồ Lý: 04 thôn).
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tạo đã khẳng định những thành tựu đạt được trong những năm qua của đồng bào các dân tộc thiểu số có sự đóng góp tích cực của đội ngũ các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, vượt lên mọi khó khăn thách thức để vận động đồng bào thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đồng thời yêu cầu cán bộ, công chức, nhân viên cần phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như:
1. Tiếp tục triển khai quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng ĐBKK của tỉnh;
3. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương cơ sở triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thống nhất, hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách.
4. Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương cơ sở tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, đào tạo lao động có kỹ năng, lao động có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu lao động của một tỉnh công nghiệp Vĩnh Phúc trong tương lai.
5. Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo tinh thần Chỉ số 28/CT-TTg ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
6. Giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an ninh quốc phòng, chống diễn biến hoà bình của kẻ địch, chống các hành vi lợi dụng chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc.
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tình hình và kết quả triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các DTTS trong tỉnh; chủ động đề xuất, giải quyết kịp thời các kiến nghị và những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt Lãnh đạo Ban đồng chí Nguyễn Ngọc Tạo đã gửi lời chúc mừng đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, chúc đội ngũ làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh có nhiều sức khỏe và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời gian tới.
Nguyễn Việt Cường
Nguyễn Việt Cường