Quá trình hình thành và phát triển

12:00 22/02/2022

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH  VÀ PHÁT TRIỂN

CƠ QUAN LÀM CÔNG TÁC DÂN TỘC TỈNH VĨNH PHÚC

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng. Ngay sau khi giành được độc lập, chiểu theo Sắc lệnh số 58-SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 03/5/1946, Nha Dân tộc được thành lập (tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay) theo Nghị định số 359/NĐ ngày 09/9/1946 của Bộ Nội vụ, với chức năng, nhiệm vụ "Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam", đồng thời có điều kiện chăm lo toàn diện hơn tới lợi ích của các dân tộc thiểu số.

Trong quá trình hình thành và phát triển cơ quan công tác dân tộc các thời kỳ đã xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, vận động đồng bào các dân tộc cùng với nhân dân cả nước đoàn kết một lòng đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước đầu tư thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở miền núi và vùng dân tộc, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn, góp phần nâng cao dân trí; đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Đối với Vĩnh Phúc từ năm 1950 đến nay, Vĩnh Phúc đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính: Năm 1950 Vĩnh Yên sáp nhập với Phúc Yên thành Vĩnh Phúc; năm 1968 Vĩnh Phúc sáp nhập với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú; năm 1997, sau 29 năm Vĩnh Phúc hợp nhất rồi được tái lập trở lại. Trải qua các thời kỳ, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cũng có những tên gọi khác nhau, chỉ tính từ năm 1986 đến nay cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cũng có những tên gọi thay đổi:

1. Giai đoạn từ 1986 đến 2000 (với tên gọi Chi cục Định canh định cư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và quán triệt lời dạy sâu sắc của Bác Hồ: “Chính sách của Đảng và Chính phủ đối với miền núi là rất đúng đắn, trong chính sách có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết và nâng cao đời sống của đồng bào”. Bộ Chính trị có Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 72/QĐ-HĐBT ngày 13/3/1990 về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị, đây là chính sách về phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi toàn diện và đầy đủ, thể hiện rõ đường lối đổi mới của Đảng trong công tác dân tộc và miền núi ở nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc cùng với đồng bào dân tộc Kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt là khi có Nghị quyết 10 (còn gọi là khoán 10) của Bộ Chính trị, kinh tế hộ gia đình ngày một phát triển.

2. Giai đoạn từ 2000 đến 2004 (với tên gọi Phòng Tôn giáo, Dân tộc và miền núi thuộc Văn phòng UBND tỉnh)

Sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, đến năm 2000 công tác quản lý Nhà nước về dân tộc do Phòng Dân tộc và Tôn giáo thuộc Văn phòng UBND tỉnh thực hiện chức năng vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa làm tham mưu cho tỉnh về các lĩnh vực công tác dân tộc thiểu số và miền núi, với nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu giúp UBND tỉnh cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước; tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tham gia xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp nghiên cứu xây dựng quy hoạch cán bộ người dân tộc và đề xuất các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ người dân tộc.

3. Giai đoạn từ tháng 8/2004-4/2008 (với tên gọi Ban Dân tộc và Tôn giáo thuộc UBND tỉnh)

Thực hiên Nghị định 53/2004/NĐ-CP  ngày 18-2-2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp, Thông tư 246/2004/TTLT-UBDT-BNV ngày 06/5/2004 của liên bộ Uỷ ban Dân tộc - Bộ Nội vụ về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương. Ngày 09/8/2004 UBND tỉnh ban hành  Quyết định số 2727/2004/QĐ-UB ngày 09/8/2004 về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Dân tộc và Tôn giáo là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác Dân tộc và Tôn giáo.

Ban Dân tộc và Tôn giáo có 04 phòng, bộ phận trực thuộc: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Dân tộc, Phòng Tôn giáo.

Cấp huyện: Có 03 huyện, thị được thành lập Phòng Dân tộc và Tôn giáo, đó là (Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên), cấp cơ sở do một cán bộ trong UBND phụ trách.

4. Giai đoạn từ tháng 5/2008 đến nay (với tên gọi Ban Dân tộc thuộc UBND tỉnh)

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, công tác Tôn giáo chuyển về Sở Nội vụ; ngày 04/4/2008 UBND tỉnh có Quyết định số 1013/QĐ-UBND về việc đổi tên Ban Dân tộc và Tôn giáo thành Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó ở tỉnh còn Ban Dân tộc, các huyện, thị xã giải thể Phòng Dân tộc và Tôn giáo, công tác dân tộc chuyển về Văn phòng UBND cấp huyện, ở cấp xã giao cho một cán bộ kiêm nhiệm công tác dân tộc.

Căn cứ Nghị định số 12/2010/NĐ-CP ngày 26/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thông tư Liên tịch số 04/2010/TTLT-UBDT-BNV ngày 17/9/2010 của Ủy ban Dân tộc - Bộ Nội vụ về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 14/02/2011 về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó Ban có 05 phòng, bộ phận: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Chính sách, Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Phòng tuyên truyền. Đối với cấp huyện, ngày 09/8/2012, UBND tỉnh có Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND về việc thành lập Phòng Dân tộc thuộc UBND huyện Tam Đảo và thị xã Phúc Yên (nay là Thành phố Phúc Yên).

Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. UBND ban hành Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND ngày 15/6/2015 về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó Ban Dân tộc có 05 phòng, bộ phận: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Chính sách Dân tộc, Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Phòng tuyên truyền và Địa bàn. Đối với cấp huyện, năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định giải thể Phòng Dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân thị xã Phúc Yên, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dân tộc về Văn phòng HĐND&UBND thành phố đảm nhiệm.
Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Tỉnh ủy về sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021, Ban Dân tộc đã xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy: Sáp nhập Phòng Kế hoạch, Tổng hợp vào Văn phòng; Sáp nhập Phòng Tuyên truyền và Địa bàn vào Phòng Chính sách Dân tộc. Ngày 13/02/2019 của UBND tỉnh ban hành Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND về việc Sửa đổi Khoản 2, Điều 3, Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND ngày 15/6/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó Ban đã giảm từ 05 phòng, bộ phận xuống còn 03 phòng, bộ phận (Phòng Chính sách Dân tộc, Thanh tra, Văn phòng).
Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đề án số 16-ĐA/TU ngày 22/12/2022 của Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022-2025, Ban Dân tộc đã xây dựng Đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc: Sáp nhập bộ phận Thanh tra vào Văn phòng. Ngày 28/12/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 55/2023/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó cơ cấu tổ chức của Ban gồm 02 phòng, bộ phận: Phòng Chính sách Dân tộc, Văn phòng.
Hiện nay Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc có 02 phòng, bộ phận: Phòng Chính sách Dân tộc, Văn phòng; đối với cấp huyện: Có 01 huyện Tam Đảo có Phòng Dân tộc, 04 huyện, thành phố (Lập Thạnh, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên) công tác dân tộc được giao cho Văn phòng HĐND&UBND triển khai thực hiện; cấp xã bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác dân tộc.

Mặc dù có biến động về cơ cấu tổ chức nhưng từ khi tái lập đến nay dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự phối kết hợp các cấp, các ngành, Ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi vùng dân tộc thiểu số: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng; các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, có chuyển biến tích cực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng;  kết cấu hạ tầng ngày càng được tăng cường; văn hóa-xã hội có chuyển biến tiến bộ: Giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới trường lớp học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông tương đối hoàn chỉnh, 100% số huyện đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; công tác bảo vệ và  chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; đời sống vật chất của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển đến nay với nhiều tên gọi, với nhiều biến động nhưng rất đáng tự hào trong quá trình phấn đấu và trưởng thành của mình Ban Dân tộc đã được Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Từ năm 2004 đến nay Ban đã 04 lần được UBND tỉnh tặng “Cờ thi đua” (năm 2007, 2011, 2015, 2021), 01 lần được Ban tôn giáo Chính phủ tặng “Cờ thi đua xuất săc” (năm 2005); 02 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2011, 2019), năm 2012 được Chính phủ tặng “Cờ thi đua xuất sắc”, năm 2013 được Nhà nước tặng Huân chương lao động ba. Nhiều phòng, bộ phận chuyên môn của Ban Dân tộc hằng năm cũng đã được tặng “Cờ thi đua” của UBND tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và của Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát huy truyền thống, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh thực hiện tốt công tác QLNN về lĩnh vực công tác dân tộc; đồng thời triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh; cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương; có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963“… Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta…”../.

Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc