Ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số

17:00 15/10/2014

Ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số

Từ sáng sớm ngày 16/10, 150 đại biểu đại diện cho 47.000 người dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có mặt tại Trung tâm hội nghị tỉnh dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ II. Họ đến sớm không chỉ để gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc mình đến Đại hội mà còn để gặp gỡ, trao đổi những kinh nghiệm hay trong bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc, trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con.  

Với sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc như: chương trình 135, 134, cho vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất; các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực tiếp người nghèo, hộ nghèo….đến nay, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên. Thu nhập bình quân của bà con đang ở mức 23,5 triệu/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2009; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,79%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 11%, giảm 4% so với năm 2009. Gần 70% thôn, làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được công nhận đạt chuẩn văn hóa; gần 80% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con các dân tộc đã tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công, hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình hạ tầng, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn ở các vùng dân tộc, miền núi của tỉnh.  

Đại biểu Lưu Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Ngọc Thanh A, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên chia sẻ, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên  nói chung, giáo viên là người dân tộc nói riêng không ngừng được cải thiện. Hiện 100% giáo viên trường mầm non Ngọc Thanh A được ký hợp đồng dài hạn, được hưởng mọi chế độ chính sách ưu đãi đối với giáo viên người dân tộc của Nhà nước, của tỉnh. Tỷ lệ trẻ ra lớp đúng độ tuổi đạt trên 80%; 100% trẻ em nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa, với mức 120.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng từ năm 2003 đã xuống cấp, trang thiết bị dạy và học thiếu, hơn 10 năm qua, trường  mầm non Ngọc Thanh A gặp rất nhiều khó khăn trong giáo dục trẻ. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, 3 lớp học của nhóm trẻ 4 tuổi phải học nhờ ở phòng chức năng, nhiều khi giáo viên họp phải ngồi cùng các cháu.  

Đại biểu Huệ đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, có chế độ chính sách đối với con em các hộ dân tộc nghèo để các em được đến trường. Cùng với đó, sớm hỗ trợ kinh phí cho trường mầm non Ngọc Thanh A để nhà trường sửa chữa, xây mới 4 phòng học, mua sắm thêm các trang thiết bị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ.  

Đến từ mảnh đất xa xôi nhất tỉnh, đại biểu Đào Thị Mai Hương, dân tộc Dao, thôn Đồng Chùa, xã Quang Yên, huyện Sông Lô bày tỏ: "Đây là thứ 2 tôi được dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi rất vui vì so với 5 năm trước, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, 100% đường liên thôn, liên xã ở Quang Yên được cứng hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10% năm 2010 xuống còn 3% trong 9 tháng đầu năm 2014. Đặc biệt, Quang Yên đã khôi phục và duy trì tốt lễ hội Xuống đồng, thành lập được câu lạc bộ dân ca dân vũ Cao Lan; 100% con em dồng bào dân tộc thiểu số được đến trường. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế đáng buồn là phần lớn con em dân tộc sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không xin được việc làm, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Trước khi đến dự Đại hội, bà con trong thôn họp và đề nghị tôi gửi đến Đại hội lời chúc mừng thành công tốt đẹp và mong muốn tỉnh quan tâm, giải quyết việc làm cho con em dân tộc. Có cơ chế hỗ trợ bà con bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc; hỗ trợ kinh phí để địa phương cải tạo, nâng cấp 4 đình làng làm nơi tổ chức lễ hội Xuống đồng và giao lưu văn hóa, văn nghệ”.  

Tự hào nói về sự đổi thay ở quê hương mình, đại biểu Lưu Qúy Thuận, thôn Tiên Long, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo cho biết: "Những năm qua, bà con dân tộc Sán Dìu ở Đạo Trù luôn sống chan hòa với các dân tộc anh em; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi để từng bước thoát khỏi đói nghèo. Nhờ vậy, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Lưu Văn Man; mô hình nuôi dê, lợn của gia đình anh Lương Văn Tự và gia đình anh Trần Trọng Hình; mô hình trồng ớt, dưa hấu của gia đình chị Lưu Thị Thanh. Không chỉ cho thu nhập cao, các mô hình còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.  

Để bà con dân tộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đại biểu Thuận mong muốn trong thời gian tới, tỉnh tăng cường các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi. Cùng với đó, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của bà con.  

Vinh dự là 1 trong 29 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Chu Văn Thông, xã Trung Mỹ,  huyện Bình Xuyên chia sẻ: " Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số lần thứ II thực sự là một ngày hội của đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi. Tại Đại hội, chúng tôi đã được đề xuất, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với các cơ quan làm chính sách, trao đổi nhiều nội dung, tháo gỡ các khúc mắc về mặt chính sách, cơ chế. Đồng thời, học hỏi những cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Qua Đại hội, chúng tôi cũng tự nhận thấy trách nhiệm làm gương cho con cháu, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng ấm no giàu mạnh"... 

Chia sẻ bên lề Đại hội, đồng chí Nguyễn Ngọc Tạo, Trưởng Ban dân tộc tỉnh cho biết, từ các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Đại hội, chúng tôi nhận thấy rằng, trong thời gian tới, Ban dân tộc tỉnh cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu đúng và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực, đầu tư, thực hiện các chương trình, chính sách nhằm giúp bà còn phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số có tâm huyết, có năng lực và trách nhiệm cao. Cùng với đó, khích lệ, động viên, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đưa khoa học, công nghệ hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa và nhân rộng những nhân tố tiêu biểu để tạo sự lan tỏa trong nhân dân. 

150 đại biểu tham dự Đại hội, mỗi người một công việc, một hoàn cảnh và đến từ các vùng, miền khác nhau, nhưng họ luôn đoàn kết và cùng chung một quyết tâm sẽ thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ II để xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.   

Thanh Nga

(Theo Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh)

Sự kiện: Đại hội dân tộc thiếu số