Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc

12:00 15/12/2023

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng đồng bằng, trung du, miền núi Bắc Bộ có tổng diện tích tự nhiên là 1.235,87 km2, dân số 1.151.154 người. Tỉnh có 09 đơn vị hành chính gồm 02 thành phố và 7 huyện với 136 xã, phường, thị trấn, trong đó có 05 huyện, thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành cộng đồng. Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Vĩnh Phúc có 11 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và thiểu số và miền núi (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh không có xã Khu vực II, không có xã khu vực III và không có thôn ĐBKK. Trên địa bàn toàn tỉnh có 41 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm dân tộc Kinh và 40 dân tộc thiểu số. Số lượng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 55.383 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh (kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Vĩnh Phúc), chủ yếu là các dân tộc: Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Tày, Mường,….Các dân tộc đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025 được triển khai thực hiện trên địa bàn 11 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Đạo Trù, Bồ Lý, Yên Dương, Minh Quang, Hồ Sơn, Đại Đình, Hợp Châu (huyện Tam Đảo); Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên); Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên); Quang Yên (huyện Sông Lô); Quang Sơn (huyện Lập Thạch).
Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (sau đây gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2022-2025. Năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 30/6/2022 về thực hiện Chương trình năm 2022. Năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 9/02/2023 về thực hiện Chương trình năm 2023.
Về tổ chức quản lý, chỉ đạo Chương trình:
+ Cấp tỉnh: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1676/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 của UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Ban Dân tộc là Cơ quan Thường trực Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
+ Cấp huyện: Huyện ủy, UBND cấp huyện ban hành quyết định thành lập, hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện, thành phố để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện, thành phố. Cơ quan Thường trực Chương trình ở cấp huyện, có 01 huyện giao Phòng Dân tộc huyện (huyện Tam Đảo); 04 huyện, thành phố (Bình Xuyên, Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên) giao Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện là bộ phận theo dõi, tham mưu triển khai thực hiện Chương trình ở cấp huyện.
+ Cấp xã: Bí thư Đảng ủy hoặc Chủ tịch UBND các xã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn xã, thị trấn.
 
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan trao quà trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc
  
Về ban hành cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình:
+ HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 05/5/2023 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước; cơ chế lồng nghép vốn, cơ chế huy động nguồn lực khác thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
+ UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND ngày 15/3/2023 quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng giao cho cộng đồng thực hiện thuộc các Chương trình MTQG.
Tỉnh Vĩnh Phúc không ban hành cơ chế, chính sách riêng, đặc thù để thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hầu hết các nội dung của Chương trình được lồng ghép thực hiện theo các cơ chế, chính sách hiện hành đang áp dụng chung trên địa bàn tỉnh (các cơ chế, chính sách đã và đang thực hiện đã cơ bản đầy đủ, bao trùm đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh).
Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2023:
Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đã cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Về chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người: Đã vượt mục tiêu, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2022. Năm 2023 đạt khoảng trên 53,5 triệu đồng/người (thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS&MN năm 2022 đạt khoảng 51,6 triệu đồng/người).
- Về chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo: Đã vượt mục tiêu so với kế hoạch, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN dự kiến giảm còn 1,1% (kế hoạch là dưới 1,34%) (của toàn tỉnh là 0,6%).
- Về chỉ tiêu tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 100%).
 - Về chỉ tiêu tỷ lệ trường lớp học được xây dựng kiên cố: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 100%).
 - Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 100%).
- Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 100% năm 2020). Hiện nay đang thực hiện mục tiêu cấp nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho vùng đồng bào DTTS&MN (tỷ lệ người dân vùng DTTS&MN được sử dụng nước sạch hiện nay đạt trên 20%).
- Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 100% từ năm 2017).
- Về chỉ tiêu tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 100%); tỷ lệ học sinh tiểu học và trung học cơ sở ra trường: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 96,7%); tỷ lệ học sinh được đào tạo trình độ trung học phổ thông và tương đương: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 76,9%).
- Tỷ lệ nguồi từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 100%).
- Tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế: Chưa đạt mục tiêu (hiện nay mới đạt 94,5% so với Quyết định 1719/QĐ-TTg là 98%).
- Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế: Đã vượt mục tiêu (đã đạt 100%).
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng
thể thấp còi/cân nhẹ: Đạt mục tiêu (thể thấp còi còn 14%; thể nhẹ cân còn 10%).
- Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa): Đạt mục tiêu (đã đạt 100%). Khảo sát đầu tư để triển khai xây dựng 02 mô hình làng văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Chưa đạt, đang triển khai.
- Về chỉ tiêu tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục kiểm soát khống chế, đẩy lùi các loại dịch bệnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Cơ bản đã đạt theo yêu cầu.
- Về chỉ tiêu bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh: Đã cơ bản đạt; tỷ lệ thôn có đội (CLB) văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, chất lượng: Chưa đạt, hiện nay mới đạt khoảng 40% (mục tiêu là trên 50%).
- Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được đào tạo: Đạt mục tiêu (đã đạt 100%); Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS. Đảm bảo tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số ở địa phương: Khó xác định, chưa thực hiện được do đặc thù tỉnh Vĩnh Phúc đồng bào DTTS ở một số địa bàn số lượng ít, phân tán.
 Ngày càng có nhiều mô hình phát triển sản xuất ở vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân
 
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Việc triển khai thực hiện Chương trình đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và của tỉnh nói chung, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện. Đến nay, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu quy định theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Vĩnh Phúc đều đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu yêu cầu.
Đến nay hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành và vượt mục tiêu, trong đó chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi cuối năm 2023 của tỉnh đạt khoảng hơn 53,5 triệu đồng/người, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2022 (năm 2022 đạt 51,6 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 giảm còn 1,34% (số hộ nghèo là dân tộc thiểu số còn 282 hộ). Các dự án thành phần của Chương trình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh hiện nay, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững của tỉnh. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, vùng nông thôn của tỉnh có mức cao hơn so với quy định của Trung ương; các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội,…được triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu thực hiện công bằng xã hội.
Hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp; Tình hình an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh luôn ổn định, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
 Công tác giáo dục, đào tạo đối với vùng đồng bào DTTS&MN luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện

Nguyễn Thế Dương-TP Chính sách DT