Chiều ngày 02/01/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác dân tộc năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị trực tuyến được kết nối tới 53 điểm cầu tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Dự và chỉ đạo hội nghị có Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đồng chủ trì hội nghị, tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Uỷ ban và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT. Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Tỉnh, Thành uỷ, lãnh đạo UBND, lãnh đạo Ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc, lãnh đạo một số sở, ban, ngành 53 tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN trên cả nước.
Ông Trần Lưu Quang: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (bên phải), ông Hầu A Lềnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Tham dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương: Ủy ban MTTQ tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ban Dân tộc, Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội; Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; UBND huyện, thành phố: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên; Lãnh đạo, công chức thuộc Ban Dân tộc tỉnh. Ông Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc (thừa ủy quyền của Lãnh đạo UBND tỉnh) chủ trì tại điểm tỉnh cầu Vĩnh Phúc
Ông Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Năm 2023, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục biến động, phức tạp, khó lường, với thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng chủ yếu là khó khăn, thách thức ngoài dự báo. Hậu quả của đại dịch Covid-19 và những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nước ta, trong đó có vùng đồng bào DTTS và miền núi, những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… ngày càng lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.. Đời sống của người dân, trong đó có người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, công tác dân tộc, chính sách dân tộc tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sát; các bộ, ngành Trung ương và địa phương tích cực phối hợp thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.
Dưới chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi năm 2023 ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao; các chương trình, chính sách được thực hiện đồng bộ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao;
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương, ghi nhận đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là UBDT, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong triển khai thực hiện CTDT năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: “Chưa bao giờ công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm như hiện nay. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc triển khai các chính sách dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn; đời sống đồng bào DTTS còn bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn lực hỗ trợ hạn chế, một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước;
Ông Trần Lưu Quang: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm đúng mức đến công tác dân tộc; tăng cường công tác phối hợp; linh hoạt áp dụng các chính sách dân tộc phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương để đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các chính sách dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vươn lên trong phát triển kinh tế, tránh trông chờ ỷ lại…đồng chí yêu cầu Ủy ban Dân tộc cần phải làm tốt vai trò là đầu mối tham mưu giữa các bộ, ngành trong thực hiện các CSDT; ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm CTDT; ưu tiên nguồn lực cho các trường học vùng đồng bào DTTS; tránh đầu tư dàn trải các công trình, dự án tại các địa phương.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải quan tâm hơn nữa đến công tác dân tộc; trong phân cấp, phân quyền cho cấp huyện, làm sao tránh đẩy cán bộ cấp dưới đến chỗ khó; bố trí cán bộ có kinh nghiệm, có khả năng để hỗ trợ cán bộ cấp huyện, xã trong triển khai các chương trình, dự án, hoặc có thể tính đến việc thuê tư vấn; đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo UBDT cũng như cơ quan làm công tác dân tộc các cấp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời cho biết sẽ cụ thể hóa vào kế hoạch chương trình công tác năm 2024 để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước về CTDT được tốt hơn năm 2024 và những năm tiếp theo. Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp, đồng hành, ủng hộ UBDT để có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong đó chú trọng tới các nhiệm vụ như: tham mưu Chính phủ trình Quốc hội về điều chỉnh một số nội dung của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; xây dựng Đề án đổi mới về mô hình và tổ chức hoạt động của cơ quan làm CTDT các cấp; Đề án đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống trường chuyên biệt do UBDT quản lý; Đề án đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống Trường Dân tộc Nội trú, Bán trú vùng DTTS&MN.
Tại hội nghị, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Lê Sơn Hải, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho ông Lê Tuấn Hà, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Ủy ban Dân tộc.
Nguyễn Việt Cường-Ban Dân tộc