Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo lấy ý kiến trực tiếp công chức, nhân viên vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

00:00 27/02/2023

Thực hiện Văn bản số: 907/UBND-NN5 ngày 17/02/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 27/02/2023, Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo cấp Sở để lấy ý kiến trực tiếp toàn thể công chức, nhân viên, người lao động trong cơ quan. Hội thảo đã lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và một số nội dung trọng tâm như: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Anh – chủ trì hội thảo khẳng định sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Ông Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc chủ trì Hội nghị
          Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, trong đó đã bổ sung trách nhiệm của Nhà nước về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Quy định giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với những đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh; cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất nhưng thiếu đất sản xuất. Quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong việc ban hành Chính sách khung về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương để quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, dự thảo cũng quy định đối với diện tích đất của các công ty nông lâm nghiệp đã giải thể, diện tích đất bàn giao cho địa phương thì UBND cấp tỉnh quyết định việc sử dụng vào mục đích theo đúng quy hoạch sử dụng đất, trong đó ưu tiên giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội thảo, cán bộ, công chức, nhân viên, người lao động cơ quan Ban Dân tộc đã tập trung nghiên cứu, thảo luận và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung trọng tâm cần lấy ý kiến. Đối với dự thảo chính sách đất đai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, các ý kiến đóng góp đều thể hiện sự nhất trí đối với nội dung dự thảo. Chính sách đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội  và môi trường sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trần Thị Lý-Văn phòng Ban Dân tộc