Sáng ngày 04/01/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác dân tộc năm 2022, sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị trực tuyến được kết nối tới 53 điểm cầu tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Y Thông, Y Vinh Tơr đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Uỷ ban và lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT. Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Tỉnh, Thành uỷ, lãnh đạo UBND, lãnh đạo Ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc, lãnh đạo một số sở, ban, ngành 53 tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN trên cả nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và các đồng chí Lãnh đạo UBDT chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Hoàng Anh: Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc; đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành; UBND các huyện: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên.
Đ/c: Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc
Năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế xã hội gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Đời sống của người dân, trong đó có người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, công tác dân tộc, chính sách dân tộc tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sát; các bộ, ngành Trung ương và địa phương tích cực phối hợp thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.
UBDT luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Chương trình công tác của Chính phủ, kế hoạch công tác của UBDT để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, tập trung nhân lực và thời gian cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, qua đó đã phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, qua đó nhận thức về CTDT đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị cả nước từ Trung ương đến địa phương. Các Bộ, Ban, ngành TW, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thể hiện nổi bật nhất là việc phối hợp triển khai và hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, đề xuất các đề án trong chương trình hành động thực hiện chiến lược Công tác dân tộc, thể hiện rõ trách nhiệm với vùng DTTS&MN.
UBDT đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về CTDT, tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt thể hiện thành chương trình hành động, đề án, chính sách, kế hoạch công tác cụ thể đã nỗ lực triển khai khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. CTDT năm 2022 ở Trung ương và địa phương có nhiều chuyển biến rõ nét và kết quả nổi bật. Trọng tâm là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi 7 thông tư, xây dựng đề án chuyển đổi số và ban hành các văn bản hướng dẫn theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, thể hiện sự đổi mới tư duy về xây dựng và thực hiện CSDT. Các văn bản hướng dẫn có sự tham gia của các địa phương, sát thực tế hơn, phù hợp hơn với điều kiện vùng dân tộc.
Công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; hợp tác quốc tế về CTDT tiếp tục được đẩy mạnh; CTDT năm 2022 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung về phát triển KT-XH. Sản xuất đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt chỉ tiêu đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; công tác giáo dục, y tế ở vùng DTTS có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng DTTS&MN có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển; vùng DTTS&MN ổn định phát triển góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch
Bên cạnh những thành tựu cơ bản trên, vùng DTTS&MN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề bức xúc cần được tiếp tục giải quyết trong giai đoạn hiện nay, đó là: Kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa vững chắc; kết cấu hạ tầng KT-XH thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; Đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có tiến bộ, song vẫn còn cao, giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS&MN vẫn còn thấp. Việc thực hiện một số chính sách ưu đãi về giáo dục cho vùng DTTS&MN thu được những kết quả nhất định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nguồn cán bộ cho sự phát triển bền vững của vùng DTTS&MN. Tình trạng phá rừng, khiếu kiện tranh chấp đất đai, buôn bán ma túy... vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố bất ổn; văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một, nhất là tiếng nói chữ viết, trang phục của một số DTTS; hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, đặc biệt đội ngũ cán bộ chất lượng còn hạn chế, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ người DTTS hoặc có nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn nhiều bất cập.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao sự phối hợp cung cấp thông tin để tổng hợp vào báo cáo tổng kết, có đầy đủ số liệu để chương trình tổng kết có thể đánh giá mọi mặt được toàn diện; việc phối hợp giữa các bộ, ban ngành trong việc thể chế hóa thực hiện công tác dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã được thực hiện hết sức tích cực; công tác phối hợp ngày càng đi vào thực chất hơn, điều này thể hiện rõ nhất ở việc thống nhất ký kết chương trình hợp tác giữa UBDT với các bộ, ngành, qua đó đã đi vào từng việc làm cụ thể. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong năm 2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị: Các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện một cách đồng bộ những chủ trương đường lối của đảng về công tác dân tộc, Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của các địa phương và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2025 (trong đó có sửa đổi Nghị định 05, Quyết định 861, Quyết định 612 của Chính phủ…). Mong muốn cơ quan làm công tác dân tộc các cấp tăng cường công tác tham mưu, triển khai thực hiện công tác dân tộc tốt hơn; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách đang còn hiệu lực; tiếp tục hoàn thiện bộ máy làm công tác dân tộc các cấp. Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là mong muốn các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quyết liệt phối hợp, tạo nên sức mạnh tổng hợp, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Việt Cường-Ban Dân tộc