BAN DÂN TỘC TỈNH VĨNH PHÚC, 20 XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

12:00 09/08/2024

Với tư tưởng “đại đoàn kết các dân tộc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã quy tụ được các dân tộc cùng nhau đoàn kết đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 03/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58/SL tổ chức Bộ Nội vụ, trong đó có Nha dân tộc thiểu số-Tổ chức tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay. Từ đó đến nay, cơ quan công tác dân tộc đã đi qua chặng đường lịch sử hơn 77 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi và tổ chức khác nhau, khi là cơ quan độc lập, khi được lồng vào Ban Dân tộc Trung ương của Đảng trong cùng một bộ máy. Cơ quan công tác dân tộc không ngừng đổi mới, phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đối với Vĩnh Phúc từ năm 1950 đến nay, tỉnh đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính: Năm 1950 Vĩnh Yên sáp nhập với Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc; năm 1968, tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú; sau 29 năm Vĩnh Phúc được tái lập vào ngày 01/01/1997. Trải qua các thời kỳ, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cũng có những tên gọi khác nhau, chỉ tính từ năm 1986 đến nay cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cũng có những tên gọi thay đổi:
- Giai đoạn từ 1986 đến 2000, với tên gọi Chi cục Định canh định cư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ quan này đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phát triển đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh.
- Giai đoạn từ 2000 đến 2004, với tên gọi Phòng Tôn giáo - Dân tộc và miền núi thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Thực hiện chức năng giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về Dân tộc và Tôn giáo.
- Đến tháng 8/2004,
thực hiên Nghị định 53/2004/NĐ-CP, ngày 18/02/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp; Thông tư liên tịch số 246/2004/TTLT-UBDT-BNV ngày 06/5/2004 của liên bộ Uỷ ban Dân tộc - Bộ Nội vụ về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương. Ngày 09/8/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2727/2004/QĐ-UB về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác Dân tộc và Tôn giáo. Ban chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 06/9/2004.
Đến tháng 4/2008, Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, công tác Tôn giáo chuyển sang Sở Nội vụ; ngày 04/4/2008, UBND tỉnh có Quyết định số 1013/QĐ-UBND về việc đổi tên Ban Dân tộc và Tôn giáo thành Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 25/4/2008 Bộ phận quản lý Nhà nước về Tôn giáo được bàn giao sang Sở Nội vụ). Cấp tỉnh còn Ban Dân tộc, cấp huyện giải thể Phòng Dân tộc và Tôn giáo, công tác dân tộc chuyển về Văn phòng UBND cấp huyện đảm nhiệm; ở cấp xã có một cán bộ kiêm nhiệm làm công tác dân tộc.
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND ngày 15/6/2015 về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó Ban Dân tộc có 05 phòng, bộ phận: Văn phòng, Thanh tra, Phòng Chính sách Dân tộc, Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Phòng tuyên truyền và Địa bàn. Đối với cấp huyện, năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định giải thể Phòng Dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân thị xã Phúc Yên, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dân tộc về Văn phòng HĐND&UBND thành phố đảm nhiệm.
Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Tỉnh ủy về sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021, Ban Dân tộc đã xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy: Sáp nhập Phòng Kế hoạch, Tổng hợp vào Văn phòng; Sáp nhập Phòng Tuyên truyền và Địa bàn vào Phòng Chính sách Dân tộc. Ngày 13/02/2019 của UBND tỉnh ban hành Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND về việc Sửa đổi Khoản 2, Điều 3, Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND ngày 15/6/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó Ban đã giảm từ 05 phòng, bộ phận xuống còn 03 phòng, bộ phận (Phòng Chính sách Dân tộc, Thanh tra, Văn phòng).
Thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đề án số 16-ĐA/TU ngày 22/12/2022 của Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022-2025, Ban Dân tộc đã xây dựng Đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc: Sáp nhập bộ phận Thanh tra vào Văn phòng. Ngày 28/12/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 55/2023/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó cơ cấu tổ chức của Ban gồm 02 phòng, bộ phận: Phòng Chính sách Dân tộc, Văn phòng.
Hiện nay Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc có 02 phòng, bộ phận: Phòng Chính sách Dân tộc, Văn phòng; đối với cấp huyện: Có 01 huyện Tam Đảo có Phòng Dân tộc, 04 huyện, thành phố (Lập Thạnh, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên) công tác dân tộc được giao cho Văn phòng HĐND&UBND triển khai thực hiện; cấp xã bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác dân tộc.

Trong những năm qua, mặc dù có biến động về cơ cấu tổ chức, nhưng từ khi thành lập đến nay dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc, sự phối kết hợp các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, Ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả như: Chương trình 135, Chương trình 134; chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK, theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg; chính sách về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 11/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, truyền thông, trợ giúp pháp lý… và đặc biệt từ năm 2021 đến nay là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ 2021-2025, qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 14,52% năm 2011 xuống còn 2,7 % năm 2020 và đến hết năm 2023 còn 1,09% (tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 0,69%);  nhiều hộ đã có tích luỹ và mở rộng phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ; Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều tuyến đường được mở mới đến thôn của các xã vùng miền núi; văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện; giáo dục và đào tạo có nhiều thành tựu về chất lượng, mạng lưới trường lớp học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông được xây dựng kiên cố; công tác bảo vệ và  chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; đời sống vật chất của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố. Với những kết quả trên đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Giai đoạn 1997-2005 tỉnh Vĩnh Phúc có 06 xã ĐBKK; giai đoạn 2006-2013, còn 03 xã ĐBKK, 18 thôn ĐBKK thuộc 14 xã KVII; Giai đoạn 2014-2016, còn 01 xã ĐBKK (Yên Dương), 07 thôn thuộc 2 xã KVII (Đạo Trù, Bồ Lý); Giai đoạn 2017-2020, chỉ còn 03 thôn ĐBKK thuộc xã Đạo Trù. Từ năm 2021 đến nay Vĩnh Phúc không còn xã, thôn ĐBKK, là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn ĐBKK, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Phúc có 40 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và miền núi, trong đó có 29 xã khu vực I, 11 xã khu vực II, không còn xã khu vực III, có 03 thôn đặc biệt khó khăn. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn có 11 xã, thị trấn thuộc khu vực I. Hiện nay 100% số xã vùng đồng bào DTTS&MN đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trải qua 20 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ lãnh đạo và công chức, nhân viên Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cố gắng, không ngừng phấn đấu trong công tác để hoàn thành nhiệm vụ và đã được Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh ghi nhận, và tặng  thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Từ năm 2004 đến nay Ban đã 04 lần được UBND tỉnh tặng “Cờ thi đua” (năm 2007, 2011, 2015, 2021), 01 lần được Ban tôn giáo Chính phủ tặng “Cờ thi đua xuất săc” (năm 2005); 02 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2011, 2019), năm 2012 được Chính phủ tặng “Cờ thi đua xuất sắc”, năm 2013 được Nhà nước tặng Huân chương lao động ba. Nhiều phòng, bộ phận chuyên môn của Ban Dân tộc hằng năm cũng đã được tặng “Cờ thi đua” của UBND tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và của Chủ tịch UBND tỉnh.
Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận đồng bào còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với các vùng khác của tỉnh…
Nhiệm vụ của công tác dân tộc trong giai đoạn tới, đặt ra cho Cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở trách nhiệm lớn, cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác dân tộc, nâng cao chất lượng tham mưu, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được giao. Trước mắt cần tập trung tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác Dân tộc trong tình hình mới; Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và đặc biệt là tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Với những kết quả đạt được, trong đó có sự đóng góp của Cơ quan làm công tác dân tộc các cấp tỉnh, trải qua lịch sử 20 năm qua, được bắt nguồn từ chủ trương, nghị quyết đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp; sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc; sự nỗ lực, cố gắng của công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành; và sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.
 Trên cơ sở xác định rõ “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị…”, hệ thống Cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh nói chung, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương, Tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp thường xuyên của các sở, ban, ngành của tỉnh; đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức làm công tác dân tộc qua các thời kỳ, để công tác dân tộc ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ phát triển để xóa dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng miền núi với vùng đồng bằng, sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, cũng là thể hiện trách nhiệm và tình cảm với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh xác định cần làm tốt công tác tham mưu giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc phù hợp với từng khu vực, địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, cùng nhau đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn tiếp theo, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng văn minh và giàu đẹp.
Nhân Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc; cán bộ, công chức, nhân viên Ban Dân tộc trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc; sự phối kết hợp của các cấp, các ngành trong tỉnh; sự theo dõi, động viên, ủng hộ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, nhân viên Ban Dân tộc qua các thời kỳ; sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Ban Dân tộc quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương; có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963“… Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta…”.

Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc