Kết quả thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014-2020 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc 9/8/2004 – 9/8/2024)

12:00 08/08/2024

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, Chính phủ đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách, biện pháp đầu tư phát triển toàn diện, làm thay đổi cơ bản đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược công tác dân tộc của nước ta.
Trong những năm qua, nhận thức rõ công tác dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài và cấp bách. Để phát triển toàn diện và bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi - địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Ngày 12/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược). Tiếp đó, ngày 04/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2356/QĐ- TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 với 9 nhiệm vụ chủ yếu và 57 đề án, chương trình được giao cho 14 Bộ, Ngành chịu trách nhiệm thực hiện.
Tỉnh Vĩnh Phúc Tuyên dương giáo viên, học sinh dân tộc thiểu số năm 2023
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020. UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch 3302/KH-UBND ngày 02/6/2015 triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đã xác định các mục tiêu cụ thể cần đạt được trong công tác dân tộc đến năm 2020 và các giải pháp chủ yếu để có thể đạt được các mục tiêu, trong đó phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vai trò, vị trí, tiềm năng vùng dân tộc và chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, để từ đó nhận thức đầy đủ các quan điểm mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới, tạo sự chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, từ năm 2014-2020 UBND tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và vận dụng cơ chế, chính sách từ các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tê-xã hội của tỉnh nhằm tập trung đầu tư thực hiện công tác giảm nghèo cho các xã miền núi, các thôn ĐBKK Trong giai đoạn này, HĐND đã ban hành nhiều Nghị quyết (Nghị quyết 207/2015/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 66/2016/NQ-HĐND về nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện chế độ, chính sách cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc). Để thực hiện Nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn này, tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch thực hiện (Kế hoạch số 9104/KH-UBND ngày 15/12/2016 thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, các Kế hoạch số 2780/KH-UBND, số 53/KH-UBND về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2018, 2019…).
Các chương trình, chính sách dân tộc đều được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện, như: Kế hoạch số 8370/KH-UBND ngày 31/12/2015 về thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch số 9656/KH-UBND ngày tháng năm 2017 về thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 620/QĐ-UBND ngày 22/02/2019 về phê duyệt Đề án thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; các kế hoạch hàng năm để triển khai chính sách đối với người có uy tín, các chính sách về y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường, v.v…Kết quả cụ thể: Đến 2020 tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, không còn xã, thôn ĐBKK; Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 906 hộ; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 511 hộ; vận động, sắp xếp cho 79 hộ thiếu đất ở được ổn định trên đất ở của bố, mẹ, người thân (vận động bố mẹ, anh chị em, người thân trong gia đình tự nguyện chuyển nhượng, chia tách đất ở cho đối tượng); đầu tư hoàn thiện xây dựng 04 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung,…góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho gần 25.000 lượt người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; chính sách cấp báo, tạp chí không thu tiền đối với vùng DTTS&MN; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động nhân dân vùng DTTS&MN; hàng năm thực hiện tổ chức tuyên dương giáo viên, học sinh dân tộc thiểu số có thành tích cao trong học tập, giảng dạy,…
 
Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại Tam Đảo
 
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách dân tộc, tỉnh Vĩnh Phúc còn triển khai thực hiện lồng ghép một số chương trình, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, như: Chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mạnh, đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN của tỉnh còn 1,34% (của toàn tỉnh là 0,69%); 217.574 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ bảo hiểm y tế; hỗ trợ đào tạo nghề cho 8.020 người; giải quyết tạo việc làm cho hơn 2000 người DTTS; hỗ trợ gạo cho 2.853 lượt học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trang bị tài liệu, đồ dùng dạy học, đồ chơi vận động ngoài trời cho các trường mầm non, tiểu học các xã miền núi, khó khăn trên địa bàn tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: bí đỏ bí xanh, cà chua, su su, dưa các loại được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; một số sản phảm đã có thương hiệu và tên tuổi, xuất khẩu như: Thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch, ớt quả ở Tam Đảo, Lập Thạch; có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuản VietGap, một số vùng chuyên canh sản xuất rau, quả như: Su su 03 vùng với 110 ha; thanh long ruột đỏ 120ha,…; tỷ lệ tưới tiêu cho diện tích trồng lúa nước và cây ăn quả tại các xã đạt trên 95%; Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 25,5%; tỷ lệ hộ dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100% năm 2020; Đến năm 2020, 100% số xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay, đã có một số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...
Ngày 28/01/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 15/7/2022 về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Kế hoạch tiếp tục xác định các mục tiêu cụ thể cần đạt được trong công tác dân tộc đến năm 2030 và các giải pháp chủ yếu để có thể đạt được các mục tiêu, trong đó phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện.
Để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và vận dụng cơ chế, chính sách từ các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tê-xã hội của tỉnh nhằm tập trung đầu tư thực hiện công tác giảm nghèo cho các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong giai đoạn này, HĐND đã ban hành nhiều Nghị quyết (Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc giao xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh; chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 05/5/2023 về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước; cơ chế lồng nghép vốn, cơ chế huy động nguồn lực khác thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh…).
Để thực hiện Nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn này, tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch thực hiện (Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 30/3/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 13/02/2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025…).
Có thể khẳng định rằng, sau 10 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược công tác dân tộc và triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Công tác xóa đói giảm nghèo, các chính sách dân tộc trong thời gian qua được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, đạt hiệu quả cao; người nghèo, đồng bào các DTTS có cơ hội tiếp cận đầy đủ hơn với các loại dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống đồng bào DTTS nghèo từng bước cải thiện; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc giảm nhanh hàng năm. Cơ sở hạ tầng ở các xã thôn bản được đầu tư xây dựng đáp ứng dần nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Kinh tế vùng dân tộc thiểu số có bước phát triển mạnh, tăng trưởng bình quân vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt trên 7,5%/năm, đời sống của đồng bào dân tộc luôn được nâng lên; hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp, hàng hóa. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố, tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng, đổi mới trong công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ý thức của cán bộ, đảng viên trong tỉnh về công tác dân tộc. Các dân tộc mang đậm dấu ấn của từng dân tộc; tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc và miền núi giảm 2-3%/năm. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến về nhận thức, cùng sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu bước đầu đã xuất hiện, tạo thành các phong trào sản xuất, làm kinh tế trong hầu hết các lĩnh vực như: trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt, nghề thủ công... niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên.
Trong thời gian tới, để cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết số 88/2019/QH14 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 Chính phủ ban hành về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp, các ngành và đặc biệt là hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực, phấn đấu, tăng cường và phát huy hơn nữa khả năng, vai trò tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng và ban hành các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 cũng như mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo.

Nguyễn Thế Dương-TP Chính sách DT