Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc (03/5/1946-03/5/2024), ngày 03/5/2024, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức gặp mặt cán bộ, công chức, nhân viên ngành quản lý nhà nước về công tác dân tộc, ôn lại truyền thống 78 năm xây dựng và phát triển cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Dự buổi gặp mặt có ông Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc, các đồng chí Lãnh đạo Ban, toàn thể công chức, nhân viên cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh.
Ông Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc chủ trì, phát biểu tại buổi gặp mặt
Tại buổi gặp mặt công chức, nhân viên cơ quan quản lý nhà nhước về công tác dân tộc cấp tỉnh đã ôn lại truyền thống vẻ vang 78 năm xây dựng và phát triển cơ quan công tác dân tộc nói chung, cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Ngay sau khi giành được độc lập, Cơ quan công tác dân tộc - với tổ chức tiền thân là Nha Dân tộc thiểu số (thành lập tại Nghị định số 359/NĐ ngày 09/9/1946 chiểu theo Sắc lệnh số 58-SL ngày 03/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) với chức năng, nhiệm vụ "Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam". Ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1491/QĐ-TTg lấy ngày 03/5 hàng năm (ngày 03/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58-SL) là ngày “Truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc”. Đến nay, cơ quan công tác dân tộc đã đi qua chặng đường lịch sử 78 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi và tổ chức khác nhau, khi là cơ quan độc lập, khi được lồng vào Ban Dân tộc Trung ương của Đảng trong cùng một bộ máy. Cơ quan công tác dân tộc không ngừng đổi mới, phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc trải qua các thời kỳ, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cũng có những tên gọi khác nhau, chỉ tính từ năm 1986 đến nay cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cũng có những tên gọi thay đổi: Giai đoạn từ 1986-2000, với tên gọi Chi cục Định canh định cư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ quan này đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phát triển đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh; Giai đoạn từ 2000-2004, với tên gọi Phòng Tôn giáo - Dân tộc và Miền núi thuộc Văn phòng UBND tỉnh, thực hiện chức năng giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về dân tộc và tôn giáo. Đến tháng 8/2004, thực hiện Nghị định 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập và đi vào hoạt động với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo. Đến tháng 4/2008, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác tôn giáo chuyển sang Sở Nội vụ; ngày 04/4/2008, UBND tỉnh có Quyết định số 1013/QĐ-UBND về việc đổi tên Ban Dân tộc và Tôn giáo thành Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong 78 năm qua, mặc dù có biến động về cơ cấu tổ chức, nhưng từ khi thành lập Ban Dân tộc (năm 2004) đến nay dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc, sự phối kết hợp các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, Ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, và đạt được những thành tích đáng ghi nhận.
Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đã đề ra là “Đến năm 2030: Xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương”; thực hiện lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963“… Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta…”.
Nguyễn Việt Cường-Ban Dân tộc