Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng. Ngay sau khi giành được độc lập, Cơ quan công tác dân tộc - với tổ chức tiền thân là Nha Dân tộc thiểu số (thành lập tại Nghị định số 359/NĐ ngày 09/9/1946 chiểu theo Sắc lệnh số 58-SL ngày 03/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) với chức năng, nhiệm vụ "Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam". Từ đó ngày 09/9 được lấy là ngày truyền thống của ngành dân tộc. Trải qua chặng đường 62 năm (từ 1946-2008), công tác dân tộc ngày càng được phát triển, để đáp ứng yêu cầu công tác dân tộc trong giai đoạn mới, ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1491/QĐ-TTg lấy ngày 03/5 hàng năm (ngày 03/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58-SL) là ngày “Truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc”. Đến nay, cơ quan công tác dân tộc đã đi qua chặng đường lịch sử 78 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi và tổ chức khác nhau, khi là cơ quan độc lập, khi được lồng vào Ban Dân tộc Trung ương của Đảng trong cùng một bộ máy. Cơ quan công tác dân tộc không ngừng đổi mới, phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc trải qua các thời kỳ, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cũng có những tên gọi khác nhau, chỉ tính từ năm 1986 đến nay cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh cũng có những tên gọi thay đổi: Giai đoạn từ 1986-2000, với tên gọi Chi cục Định canh định cư thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ quan này đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phát triển đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh; Giai đoạn từ 2000-2004, với tên gọi Phòng Tôn giáo - Dân tộc và Miền núi thuộc Văn phòng UBND tỉnh, thực hiện chức năng giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về dân tộc và tôn giáo. Đến tháng 8/2004, thực hiện Nghị định 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập và đi vào hoạt động với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo. Đến tháng 4/2008, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác tôn giáo chuyển sang Sở Nội vụ; ngày 04/4/2008, UBND tỉnh có Quyết định số 1013/QĐ-UBND về việc đổi tên Ban Dân tộc và Tôn giáo thành Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong 78 năm qua, mặc dù có biến động về cơ cấu tổ chức, nhưng từ khi thành lập Ban Dân tộc (năm 2004) đến nay dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc, sự phối kết hợp các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, Ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, và đạt được những thành tựu nổi bật như sau:
Giai đoạn 1997-2005 tỉnh Vĩnh Phúc có 06 xã ĐBKK, giai đoạn 2006-2010 còn 03 xã ĐBKK, đến năm 2015 Vĩnh Phúc không còn xã ĐBKK, đến năm 2020, Vĩnh Phúc không còn thôn ĐBKK và Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Giai đoạn 2010-2020, Vĩnh Phúc có 40 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, hiện nay Vĩnh Phúc còn 11 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN (xã Khu vực I) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Các chính sách về y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo đã được Ban phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả: Cơ sở vật chất và thiết bị y tế vùng DTTS và miền núi được tăng cường, hiện nay 100% các xã miền núi đã có Trạm y tế xã, đa số thôn, đã có cán bộ y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào; Hệ thống các thiết chế văn hóa vùng DTTS và miền núi được củng cố và quan tâm đầu tư, đến nay 100 % các xã vùng DTTS và miền núi có nhà văn hoá hoặc điểm bưu điện văn hoá; công tác giáo dục được quan tâm chú trọng, cơ sở vật chất trường lớp học được đầu tư xây dựng, nâng cấp và kiên cố hoá.
Ban Dân tộc đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ nhất năm 2010, lần thứ II năm 2014, lần thứ III năm 2019, đó là dịp tổng kết, đánh giá kết quả công tác dân tộc, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời là dịp ghi nhận, biểu dương công lao to lớn của đồng bào các DTTS tỉnh trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng; xây dựng, củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận cao của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng; là diễn đàn giao lưu, học tập, đợt sinh hoạt chính trị-xã hội sâu rộng, nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chính sách dân tộc, công tác dân tộc và công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trong những năm qua, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác dân tộc.
Từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ 2021-2025.
Các chương trình, chính sách được triển khai đồng bộ, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi vùng dân tộc thiểu số: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng; các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, có chuyển biến tích cực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh, năm 2011 là 12,47%, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS (11 xã) còn 1.34% (của cả tỉnh là 0,91%), nhiều hộ đã có tích luỹ và mở rộng phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ; Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều tuyến đường được mở mới đến thôn của các xã vùng miền núi; văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện; giáo dục và đào tạo có nhiều thành tựu về chất lượng, mạng lưới trường lớp học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông được xây dựng kiên cố; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; đời sống vật chất của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố. Với những kết quả trên đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Đến nay 100% số xã vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi đã khẳng định đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Những thành tựu đạt được trong 78 năm qua của đồng bào các DTTS tỉnh Vĩnh Phúc có sự đóng góp tích cực của các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc, vượt lên mọi khó khăn để thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Những thành tựu đạt được đó cũng chính là niềm tự hào, hạnh phúc của mỗi cán bộ làm công tác dân tộc. Để tiếp tục phát huy truyền thống của ngành và thực hiện tốt công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc cần bám sát Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, trong đó trọng tâm là quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030:
Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế của vùng dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, từ đó thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc theo nội dung Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới; chủ động đấu tranh chống lại âm mưu diễn biến hoà bình, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lôi kéo chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.
Hai là: Tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc, có chính sách thu hút đầu tư vào vùng DTTS và miền núi, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.
Ba là: Triển khai kịp thời các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác Dân tộc trong tình hình mới; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Bốn là: Xây dựng kế hoạch phát triển toàn diện văn hoá dân tộc thiểu số; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS; bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu trong vùng dân tộc thiểu số.
Năm là: Đề cao và phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc; xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước của xã, thôn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh phù hợp với điệu kiện của từng địa phương, cơ sở.
Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác dân tộc. Thực tiễn hoạt động của cơ quan công tác dân tộc thời gian qua với những mô hình tổ chức khác nhau, nội dung cụ thể của từng thời kỳ khác nhau, nhưng với chức năng chung là tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cơ quan công tác dân tộc trong hệ thống chính trị, là cơ sở thực tiễn và bài học kinh nghiệm quý giá để xây dựng tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Với truyền thống của ngành trong 78 năm qua, cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị; sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác dân tộc, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng trong thời gian tới cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đã đề ra là “Đến năm 2030: Xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương”; thực hiện lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963“… Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta…”.
Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc