Ngày 02/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1087/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030” với mục tiêu tổng quát là tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc nhằm mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS Việt Nam.
Lãnh đạo UBDT, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị công nghệ thông tin đã tiến hành khởi động Cổng dịch vụ công trực tuyến giai đoạn I của UBDT tại Lễ hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 của UBDT (Ảnh sưu tầm trên trang TTĐT Báo Dân tộc và phát triển)
Đến năm 2025, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách về tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc; xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Đề án; xây dựng, vận hành Trung tâm dữ liệu tại Ủy ban Dân tộc (UBDT). Trong giai đoạn 2026-2030: 100% chế độ báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê lĩnh vực công tác dân tộc được kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% các thủ tục hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% dữ liệu mở lĩnh vực công tác dân tộc được công bố, cập nhật theo quy định; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số. Xây dựng, ban hành bộ chỉ số lĩnh vực công tác dân tộc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số của lãnh đạo UBDT; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, cơ sở dữ liệu về các DTTS Việt Nam, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của UBDT.
Đề án đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ: (1). Chuyển đổi nhận thức; (2). Phát triển hạ tầng số; (3). Phát triển dữ liệu số; (4). Xây dựng, phát triển nền tảng số; (5). Bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng với 15 nhiệm vụ cụ thể; 06 giải pháp để tổ chức thực hiện: (1). Tuyên truyền phổ biến; (2). Hoàn thiện thể chế; (3). Kiện toàn tổ chức bộ máy; (4). Đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực; (5). Bảo đảm nguồn lực; (6). Hợp tác quốc tế.
Tại Đề án, Thủ tướng Chính phủ giao 06 Bộ, ngành: Ủy ban Dân tộc, Thông tin và Truyền thông, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Đề án; Giao UBND các tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án theo quy định.
Nguyễn Việt Cường-Ban Dân tộc