Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 79 năm Cánh mạng tháng Tám và Quốc khánh Nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam. Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc (09/8/2004-09/8/2024). Tham dự chương trình gặp mặt có đồng chí: Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc, các đồng chí lãnh đạo Ban, Nguyên lãnh đạo Ban, nguyên lãnh đạo Phòng, bộ phận thuộc Ban, nguyên cán bộ, công chức Ban Dân tộc và tôn giáo và Ban Dân tộc qua các thời kỳ, toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Hoàng Anh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc phát biểu tại Chương trình gặp mặt
Tại buổi gặp mặt, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy-Phó Trưởng Ban Dân tộc đã phát biểu ôn lại truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển của Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc. Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Ban Dân tộc), được thành lập theo Quyết định số 2727/2004/QĐ-UB, ngày 09/8/2004 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc, Ban là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác Dân tộc và Tôn giáo. Ban chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 06/9/2004. Đến tháng 5/2008, công tác Tôn giáo chuyển sang Sở Nội vụ. Cấp tỉnh còn Ban Dân tộc, cấp huyện giải thể Phòng Dân tộc và Tôn giáo, công tác dân tộc chuyển về Văn phòng UBND cấp huyện đảm nhiệm; ở cấp xã có một cán bộ kiêm nhiệm làm công tác dân tộc. Khi thành lập năm 2004, Ban Dân tộc có 04 phòng, bộ phận (Văn phòng, Thanh tra, Phòng Dân tộc, Phòng Tôn giáo), đến năm 2015, Ban có 05 phòng, bộ phận (Văn phòng, Thanh tra, Phòng Chính sách, Phòng Kế hoạch-Tổng hợp, Phòng Tuyên truyền và địa bàn), thực hiện các Đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ năm 2019 đến nay, Ban đã sắp xếp giảm từ 05 phòng, bộ phận xuống còn 02 phòng, bộ phận (Văn phòng, Phòng Chính sách Dân tộc).
Trong những năm qua, mặc dù có biến động về cơ cấu tổ chức, nhưng từ khi thành lập đến nay dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc, sự phối kết hợp các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, Ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả như: Chương trình 135, Chương trình 134; chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ĐBKK, theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg; chính sách về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, Quyết định số 11/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách về y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, truyền thông, trợ giúp pháp lý… và đặc biệt từ năm 2021 đến nay là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ 2021-2025, qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 14,52% năm 2011 xuống còn 2,7 % năm 2020 và đến hết năm 2023 còn 1,09% (tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 0,69%); nhiều hộ đã có tích luỹ và mở rộng phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, du lịch dịch vụ; Các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều tuyến đường được mở mới đến thôn của các xã vùng miền núi; văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện; giáo dục và đào tạo có nhiều thành tựu về chất lượng, mạng lưới trường lớp học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông được xây dựng kiên cố; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; đời sống vật chất của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố. Với những kết quả trên đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Trải qua 20 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ lãnh đạo và công chức, nhân viên Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cố gắng, không ngừng phấn đấu trong công tác để hoàn thành nhiệm vụ và đã được Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh ghi nhận, và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Từ năm 2004 đến nay Ban đã 04 lần được UBND tỉnh tặng “Cờ thi đua” (năm 2007, 2011, 2015, 2021), 01 lần được Ban tôn giáo Chính phủ tặng “Cờ thi đua xuất săc” (năm 2005); 02 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2011, 2019), năm 2012 được Chính phủ tặng “Cờ thi đua xuất sắc”, năm 2013 được Nhà nước tặng Huân chương lao động ba. Nhiều phòng, bộ phận chuyên môn của Ban Dân tộc hằng năm cũng đã được tặng “Cờ thi đua” của UBND tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và của Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại buổi gặp mặt, các đồng chí Nguyên lãnh đạo Ban qua các thời kỳ đã phát biểu, ôn lại truyền thống, những kết quả đã đạt được sau 20 năm, những khó khăn, vướng mắc, phát sinh, đưa ra những bài học quý báu trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bản tỉnh.
Ông Hoàng Minh Ái-Nguyên Trưởng Ban Dân tộc phát biểu
Nhân Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc; cán bộ, công chức, nhân viên Ban Dân tộc trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc; sự phối kết hợp của các cấp, các ngành trong tỉnh; sự theo dõi, động viên, ủng hộ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, nhân viên Ban Dân tộc qua các thời kỳ; sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Ban Dân tộc quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương; có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng; là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963“… Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta…”.
Một số hình ảnh tại Buổi gặp mặt
Các đ/c Lãnh đạo Ban, Nguyên Lãnh đạo Ban, cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Ban Dân tộc qua các thời kỳ
Tập thể Lãnh đạo Ban, lãnh đạo các phòng, bộ phận thuộc Ban Dân tộc
Các đ/c Lãnh đạo Ban, Nguyên Lãnh đạo Ban, cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Ban Dân tộc qua các thời kỳ
Nguyễn Việt Cường-Ban Dân tộc